Hình thức lừa đảo trực tuyến vốn không còn quá xa lạ với mọi người. Nhưng thời gian gần đây vẫn có người vẫn bị lừa dẫn đến mất tài sản khá lớn. Trong thời điểm dịch bệnh hoành hành, tình hình kinh tế khó khăn và một số người muốn kiếm thêm thu nhập. Đây là điều kiện thuận lợi để các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Các phương thức lừa đảo trực tuyến
Mạo danh cơ quan chức năng đe dọa bắt giữ nạn nhân
Phương thức này, tội phạm sẽ thu thập thông tin của nạn nhân (chủ yếu là chia sẻ trên mạng xã hội), sử dụng công nghệ để đổi đầu số, giả mạo số điện thoại của cơ quan chức năng, tự nhận là nhân viên bưu điện, nhà mạng viễn thông, cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, … để đe dọa xử lý, bắt giữ nạn nhân vì có liên quan đến tội rửa tiền, nợ cước viễn thông, bán ma túy, …
Hack tài khoản mạng xã hội và yêu cầu chuyển tiền
Hình thức này tội phạn sẽ chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội của người bị hại, sau đó tạo ra các kịch bản nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; kết bạn qua mạng xã hội và hứa hẹn gửi quà có giá trị… sau đó, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nộp thuế hoặc lệ phí hải quan nhằm chiếm đoạt tiền; hoặc gửi tin nhắn qua Facebook, Zalo, Viber… thông báo trúng thưởng và đề nghị nộp phí để nhận thưởng.
Lấy cắp thông tin tài khoản và thay đổi các giao dịch trực tuyến
Theo đó, tội phạm sẽ tấn công mạng để chiếm đoạt thông tin, tài khoản như: tấn công hộp thư điện tử, thay đổi nội dung các thư điện tử, nội dung các giao dịch, hợp đồng thương mại để chiếm đoạt tài sản; hoặc giả mạo các trang thông tin điện tử, các dịch vụ trực tuyến để lấy cắp thông tin tài khoản của khách hàng và rút tiền.
Lừa đảo trực tuyến qua hoạt động thương mại điện tử
Các đối tượng mở các trang cá nhân bán hàng online, order hàng, sau đó quảng cáo, rao bán các mặt hàng, yêu cầu bị hại chuyển khoản đặt cọc. Sau khi nhận cọc hay được chuyển khoản trước để đặt mua hàng, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng, chúng thường khóa trang mạng của mình hoặc xóa hẳn để xóa dấu vết, bỏ số điện thoại và chiếm đoạt tài sản
Lôi kéo bằng các sàn giao dịch ảo
Các đối tượng tự lập ra hoặc làm đầu mối cho các sàn giao dịch ảo (vàng, ngoại tệ, bất động sản, tiền ảo) để lôi kéo khách hàng mở tài khoản giao dịch. Sau khi có được lượng khách hàng đầu tư lớn, các đối tượng sẽ công bố “vỡ nợ”, “sập sàn” để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Yêu cầu cung cấp mã pin, OTP ngân hàng
Tội phạm giả mạo cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các giao dịch ngân hàng của người dân. Nếu người dân chuyển mã OTP thì sẽ mất tiền trong tài khoản.
Lưu ý đề phòng lừa đảo trực tuyến
- Cần cập nhập các phương thức, thủ đoạn mới của loại tội phạm để nâng cao cảnh giác. Thường xuyên theo dõi tin tức đề phòng các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mới ngày càng tinh vi.
- Cần hạn chế truy cập các trang web lạ, không chia sẻ thông tin, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên internet… của cá nhân và người thân trong gia đình lên các trang mạng xã hội.
- Không bao giờ yêu cầu cung cấp mã OTP tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai. Không tin vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng với yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng.
- Không cung cấp thông tin, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân, tuyệt đối không chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết.
- Báo ngay cho ngân hàng và cơ quan Cảnh sát điều tra khi nhận thấy các dấu hiệu lừa đảo để phong tỏa tài khoản, ngăn ngừa đối tượng rút tiền, tẩu tán, đồng thời xác minh, làm rõ kẻ lừa đảo.
Địa chỉ: Số 1 Đường N3, KP Ích Thạnh, P. Trường Thạnh, TP. Thủ Đức, TP. HCM.
Hotline: 0904 572 772 – 02822 033 186
Email: [email protected]
Website: www.soscorp.vn